155. Bộ quy tắc ứng xử mới ở Biển Đông của Marcos không có triển vọng thành công

EAST ASIA FORUM by Nian Peng, RCAS – 2 January 2024

(Nian Peng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Hồng Kông – RCAS, Hong Kong).

Ba Sàm lược dịch

Ngày 20 tháng 11 năm 2023, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr tuyên bố, rằng Philippines đã tiếp cận các nước láng giềng như Việt Nam và Malaysia để xây dựng một “bộ quy tắc ứng xử” (COC) riêng biệt ở Biển Đông (SCS).

Phát biểu tại Honolulu, Marcos cho biết: “Chúng tôi hiện đang trong quá trình đàm phán về bộ quy tắc ứng xử của riêng mình, chẳng hạn với Việt Nam, vì chúng tôi vẫn đang chờ đợi bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN và thật không may là tiến trình này diễn ra khá chậm”. Ông cũng cho biết Việt Nam và Malaysia nằm trong số các quốc gia Đông Nam Á mà ông đang cố gắng đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử để duy trì hòa bình ở Biển Đông.

Đây không phải là lần đầu tiên Marcos kêu gọi thúc đẩy các cuộc đàm phán COC với các nước láng giềng của Philippines. Trong các Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41, cũng như các hội nghị cấp cao liên quan tại Phnom Penh, Campuchia ngày 11 tháng 11 năm 2022, ông cho biết có “nhu cầu cấp thiết” về COC nhưng không đề xuất tạo ra một COC riêng.

Manila đang nỗ lực hình thành sự liên kết với các nước láng giềng trong quá trình tham vấn COC, tận dụng ảnh hưởng tập thể của họ để phản đối các điều khoản có lợi cho Trung Quốc. Nước này cũng cố gắng gây áp lực buộc Trung Quốc phải nhượng bộ thông qua việc đe dọa đưa ra một COC riêng. Philippines cũng đặt mục tiêu lôi kéo Việt Nam và Malaysia vào cuộc tranh đấu của mình chống lại Trung Quốc ở Biển Đông, để củng cố vị thế thương lượng của mình. Thông qua hợp tác với các bên tranh chấp khác, Philippines cũng có ý định ngăn chặn Trung Quốc có những hành động gây hấn ở Biển Đông.

Nhưng Việt Nam và Malaysia khó có thể làm theo đề xuất của Marcos về việc xây dựng một COC riêng. Bất chấp sự hợp tác của Việt Nam với Philippines trong vụ kiện Biển Đông, Việt Nam vẫn chưa chính thức nộp đơn kiện lên Tòa án La Hay. Việt Nam chưa tán thành đề xuất của Marcos, mặc dù Hà Nội có quan điểm khác với Trung Quốc trong việc tham vấn COC.

Khác với Philippines, Việt Nam không có ý định khiêu khích Trung Quốc ở Biển Đông. Thay vào đó, họ thích áp dụng biện pháp ngoại giao để quản lý cẩn thận các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc mà không làm suy yếu quan hệ song phương. Vào tháng 6 năm 2023, chính phủ Việt Nam đã hạ nhiệt tình trạng bế tắc trên biển với các tàu cảnh sát biển Trung Quốc ở bãi Vạn An [cách gọi của TQ. Còn VN gọi là Bãi Tư Chính]. Việt Nam khó có thể tham gia phe chống Trung Quốc của Philippines.

Malaysia từ lâu đã duy trì cách tiếp cận không đối đầu trong các tranh chấp ở Biển Đông. Bất chấp căng thẳng ở Biển Đông, Chính phủ Malaysia luôn nhấn mạnh giải pháp ngoại giao. Kể từ khi Tổng thống Anwar Ibrahim nhậm chức vào tháng 11 năm 2022, Malaysia đã duy trì mối quan hệ thậm chí còn chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Sự nồng ấm trong quan hệ Trung Quốc-Malaysia thể hiện rõ qua tần suất tiếp xúc cấp cao, chẳng hạn như cuộc gặp giữa Tổng thống Anwar với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào tháng 3 năm 2023 và sự hợp tác sâu sắc trong các dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Theo một cuộc khảo sát do Trung tâm Merdeka thực hiện vào ngày 22 tháng 11 năm 2023, công chúng Malaysia lo ngại về hiệu quả kinh tế của chính phủ mới do Anwar Ibrahim lãnh đạo, hơn là hoạt động địa chính trị của chính phủ này. Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Anwar là tăng trưởng kinh tế thay vì gây bất ổn ở Biển Đông.

Cả Việt Nam và Malaysia đều nằm trong số 6 quốc gia tham gia cuộc tập trận hàng hải do Trung Quốc dẫn đầu, bắt đầu vào ngày 13 tháng 11 năm 2023 tại Trạm Giang, trụ sở của Hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Quốc. Mục tiêu của cuộc tập trận có mật danh Hòa bình và Hữu nghị-2023 là nhằm tăng cường sự tin cậy và hợp tác lẫn nhau để cùng bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực. Rõ ràng là phần lớn các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc đều cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Ngay sau tuyên bố của Marcos về việc soạn thảo một “bộ quy tắc ứng xử” mới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning đã cảnh báo rằng “bất kỳ sự rời xa Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông trong khuôn khổ và tinh thần của nó sẽ vô hiệu”. Điều này không chỉ báo hiệu sự phản đối của Trung Quốc với đề xuất của Marcos, mà còn thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn Philippines gây xáo trộn quá trình tham vấn COC.

Những khẳng định của Marcos về việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử mới sẽ không những không thu hút được sự ủng hộ từ các nước láng giềng, mà còn làm xói mòn mọi niềm tin mong manh có thể đã được tạo dựng giữa Philippines và Trung Quốc trong các cuộc thảo luận ngắn gọn giữa Marcos và Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 năm 2023.



Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia