275. Chuẩn bị cho trận đấu lớn: Mỹ có nên tham gia cuộc chiến chống Trung Quốc vì Đài Loan hay không?

Trách nhiệm của các chính trị gia Hoa Kỳ là đối với người dân Mỹ.

The American Conservative by Doug Bandow – Jan 25, 2024

(Doug Bandow là thành viên cao cấp tại Viện Cato. Từng là Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Ronald Reagan, ông là tác giả cuốn sách Foreign Follies: America’s New Global Empire).

Cử tri Đài Loan đã lên tiếng khi bầu Phó Tổng thống Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) làm tổng thống. Bằng cách lần thứ ba liên tiếp chọn một ứng cử viên từ Đảng Dân Tiến (DPP) có tư tưởng độc lập cho Đài Loan, 24 triệu dân của quốc đảo này đã cùng nhau giơ ngón giữa đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình.

Chiến thắng của Lại rất khiêm tốn: 40% phiếu bầu trong cuộc đua ba bên, trong đó DPP mất đa số trong quốc hội. Tuy nhiên, CHND Trung Hoa tỏ ra tức giận, đưa ra cảnh báo chống lại chủ nghĩa ly khai và tiến hành các hoạt động quân sự gần đó. Đáng kể hơn là cuộc phản công chính trị của Trung Quốc, khi quốc đảo Nauru ở Thái Bình Dương chuyển sự công nhận từ Trung Hoa Dân Quốc sang Trung Quốc, khiến các đối tác ngoại giao của Đài Bắc chỉ còn có 12 nước.

Cho đến nay, điều này trông hơi giống nhà hát Kabuki—một trận chiến có vẻ căng thẳng mà không ai bị thương. Tuy nhiên, sự kiên nhẫn của Bắc Kinh dường như đang giảm dần khi Tập nhấn mạnh rằng, vấn đề phải được giải quyết và Quân đội Giải phóng Nhân dân đang huấn luyện để chiếm Đài Loan nếu cần thiết.

+ 3467. Nền độc lập của Đài Loan có xứng đáng cho một cuộc chiến tranh hay không?

Hiện tượng tư duy tập thể đang thống trị quan điểm của Washington về Đài Loan. Các nhà lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ cho rằng sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Đài Bắc là bất kể chi phí bao nhiêu, điều này rất ít chi tiết rõ ràng. Thật vậy, Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần hứa sẽ đấu tranh vì Đài Loan (điều mà các nhân viên của ông cũng thường xuyên phủ nhận, nhưng không thuyết phục được dư luận) (1). Ngược lại, đa số người Mỹ phản đối việc sử dụng quân đội Mỹ trong trường hợp này.

(1) 2884. Biden, Đài Loan và sự mơ hồ chiến lược. “Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công hay không, tổng thống trả lời: ‘Vâng, chúng ta có một cam kết.’ Đây không phải là lần đầu tiên và có thể sẽ không phải là lần cuối cùng một chính quyền Hoa Kỳ đã phải tranh nhau tìm cách rút lại những bình luận không có văn bản của tổng thống về chủ đề này”.  + 2529. Mỹ vẫn tranh cãi và mập mờ trong việc bảo vệ Đài Loan nếu bị Trung Quốc tấn công

Một số nhà hoạch định chính sách nghiêm túc khác cho rằng người Trung Quốc sẽ phân tâm nếu Washington chỉ đơn giản tuyên bố ý định của mình. Những người khác cho rằng Mỹ sẽ phải thắng vì Mỹ luôn thắng, hoặc ít nhất là được cho là như vậy.

Thật không may, những người quan sát như vậy đang sống trong mơ.

Trung Quốc đã nhanh chóng bành trướng sức mạnh quân sự và hiện đang triển khai lực lượng hải quân mạnh thứ hai thế giới. Trung Quốc đã bắt tay vào xây dựng lực lượng hạt nhân quy mô lớn nhằm thu hẹp lợi thế của Mỹ trong khu vực quan trọng này. Trung Quốc tập trung lực lượng ở châu Á thay vì phân tán chúng trên toàn cầu. Bắc Kinh có thể dựa vào nhiều căn cứ quân sự trên đất liền trong khi Washington phải triển khai sức mạnh trên khắp Thái Bình Dương.

Cuối cùng, Đài Loan quan trọng đối với người Trung Quốc hơn là với người dân Mỹ. Một lý do là lịch sử: Nhật Bản chiếm giữ quần đảo này vào năm 1895 sau khi đánh bại Đế quốc Trung Quốc trong thời kỳ được gọi là Bách niên quốc sỉ. Người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc muốn Đài Loan trở lại. An ninh là một mối quan tâm quan trọng khác – khác một chút so với nguyên nhân khiến Washington từ chối chấp nhận sự hiện diện quân sự của Liên Xô ở Cuba vào năm 1962.

Người Mỹ có cảm tình với Đài Loan một cách dễ hiểu. Trung Hoa Dân Quốc là một nền dân chủ sôi động, một tiền đồn của tự do dưới cái bóng của chế độ chuyên quyền lớn nhất thế giới. Quả thực, Bắc Kinh đang thụt lùi, với việc Tập Cận Bình ngày càng giống Mao Trạch Đông hơn. Tuy nhiên, sự thông cảm không phải là một nguyên nhân gây ra chiến tranh.

+ 2859. Trung Quốc, kẻ thù hữu ích cho Đài Loan

Đặc biệt là khi chi phí chiến tranh sẽ rất lớn. Bất kỳ cuộc xung đột nào ở đây cũng sẽ rất khác so với các cuộc chiến ở Trung Đông gần đây của Mỹ. Lyle Goldstein của [tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại của Mỹ] Defense Priority, người đã từng giảng dạy lâu năm tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân, cảnh báo:

Cán cân quân sự ở Tây Thái Bình Dương và đặc biệt là xung quanh Đài Loan đã thay đổi một cách dứt khoát. Các đơn vị Hải quân và Không quân Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với tổn thất to lớn trong bất kỳ nỗ lực nào nhằm tăng cường sức mạnh cho hòn đảo khi bị bao vây. Ngay cả lực lượng tàu ngầm được ca ngợi của Mỹ gần như chắc chắn cũng không thể chiếm ưu thế trong những trường hợp như vậy, vì lực lượng này có số lượng và hỏa lực hạn chế. Hơn nữa, Bắc Kinh đang nỗ lực nghiên cứu các biện pháp đối phó mang tính quyết định đối với tàu ngầm Mỹ, bao gồm cả thủy lôi. Bắc Kinh sẽ triển khai lực lượng tên lửa của mình để dễ dàng giành được ưu thế lớn trên không, tạo điều kiện cho một cuộc tấn công quy mô lớn vào đất liền được tiến hành – dẫn đầu bởi bộ binh và biệt kích trực thăng. Điều duy nhất tồi tệ hơn một ngày buồn như vậy, sẽ hoặc là sự thất bại hoàn toàn của lực lượng viễn chinh Mỹ ở điểm cuối cô đơn của tuyến đường tiếp tế dài 6.500 dặm, hoặc phải dùng biện pháp có thể hình dung được là sử dụng chiến tranh hạt nhân.

+ 3358. Cuộc chiến ở Đài Loan có thể sẽ là chiến tranh hạt nhân

Mặc dù không có gì chắc chắn, nhưng Mỹ thường thua trong các cuộc xung đột tiềm tàng, và thậm chí nếu có chiến thắng, nghĩa là Đài Loan vẫn chưa bị chinh phục, thì Mỹ sẽ phải trả giá đắt với nhiều tàu sân bay bị đánh chìm, hàng trăm máy bay bị bắn rơi và hàng nghìn quân nhân thiệt mạng. Hơn nữa, leo thang, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, có thể sẽ xảy ra. Trung Quốc sẽ làm bất cứ điều gì họ cho là cần thiết để ngăn chặn sự thống trị của Hoa Kỳ ngay ngoài khơi bờ biển của mình. Washington sẽ phải tấn công lục địa Trung Quốc, điều này sẽ buộc Bắc Kinh phải lần lượt nhắm vào lãnh thổ Mỹ. Chưa bao giờ xảy ra chuyện hai bên giao tranh lớn bằng vũ khí thông thường lại đều sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ngay cả những tổn thất quân sự dự kiến ở mức tối thiểu, cùng với những thiệt hại đáng kể về kinh tế, cũng sẽ làm suy giảm các cam kết quốc phòng khác của Mỹ. Các đề xuất tăng tốc chi tiêu quân sự phớt lờ gánh nặng nợ ngày càng tăng của Washington, vốn đang tiến gần đến mức kỷ lục. Người Mỹ sẽ không chấp nhận cắt giảm các chương trình xã hội để bảo vệ Đài Loan. Cuối cùng, ngay cả chiến thắng cũng chỉ là tạm thời, khi Trung Quốc rút lui để tái vũ trang và chuẩn bị cho vòng tiếp theo, giống như Đức sau thất bại trong Thế chiến I.

Có điều gì đang bị đe dọa với Đài Loan đáng để phải gánh chịu những chi phí và rủi ro này không?

+ 3465. Đài Loan, Thucydides và Chiến tranh Hoa Kỳ-Trung Quốc

Khi tham gia vào một cuộc chiến thì cần phải có một lợi ích vô cùng quan trọng. Tiến hành chiến tranh chống lại một quốc gia hùng mạnh có vũ khí hạt nhân thì lại cần phải có lợi ích thực sự thiết yếu, hoặc mang tính sinh tử. Không có lợi ích nào như thế hiện diện ở Đài Loan. Người dân Đài Loan xứng đáng được tự quyết định tương lai chính trị của mình và hầu như không ai đồng tình với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền đó không phải là nghĩa vụ của Hoa Kỳ và cũng không đáng để mạo hiểm tương lai của nước Mỹ.

Bàn về dân chủ đấu tranh với chuyên chế trong chuyện này là một chuyên đề vô nghĩa. Washington ít quan tâm đến quyền tự do khi lật đổ các nền dân chủ mà họ không thích, và lại chằm bặp các chế độ chuyên chế mà họ ủng hộ. Hãy xem Tổng thống Joe Biden đã quỳ gối trước hoàng gia Saudi (2). Freedom House xếp hạng chế độ ghê tởm này thậm chí còn thấp hơn cả Trung Quốc. Dù sao đi nữa, nền dân chủ ở Mỹ phải là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ.

(2) Mỹ bảo vệ thái tử Saudi Arabia trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi. “Theo AP, đề xuất của chính quyền Tổng thống Biden vào hôm 17/11 đã đi ngược với tuyên bố được ông đưa ra khi còn là ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.”

Ngành công nghiệp chip bán dẫn thống trị của Đài Loan cũng không phải là lý do để dẫn đến chiến tranh, là điều sẽ làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu. Trung Quốc sẽ phong tỏa hòn đảo và chiến tranh có thể san phẳng các nhà máy. Quả thực, những cơ sở như vậy khó có thể tồn tại cho dù ai thắng. Washington có lẽ sẽ tiêu hủy chúng hơn là để chúng rơi vào tay Trung Quốc. Lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào các cơ sở sản xuất chip của Đài Loan sẽ dẫn đến đa dạng hóa sản xuất và cung ứng chứ không phải là can thiệp quân sự. (Thật kỳ lạ, cựu tổng thống Donald Trump lại lập luận không rõ ràng về việc bảo vệ Đài Loan, bởi vì ông tin rằng Đài Loan đã tạo ra ngành công nghiệp chip của mình với phí tổn của Mỹ.)

Các quan chức Mỹ cũng nhấn mạnh rằng, Washington phải bảo vệ một Đài Loan tự trị để ngăn cản các hoạt động của hải quân Trung Quốc tiến sâu hơn vào Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã mở rộng đáng kể phạm vi địa lý của mình mà không cần nắm giữ hòn đảo này. Hơn nữa, mỗi khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ tuyên bố muốn bảo vệ Đài Bắc nhằm củng cố sự thống trị của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, họ càng làm tăng thêm quyết tâm của Trung Quốc nhằm giành lại Đài Loan. Thật vô nghĩa khi gây chiến với Trung Quốc để kiểm soát một vùng lãnh thổ được cho là nơi ngăn cản Trung Quốc khởi sự một cuộc chiến tranh.

+ 3688. Hoa Kỳ không cần kiềm chế Trung Quốc

Những người có quan điểm diều hâu, nhất quyết đấu tranh trong mọi cuộc chiến lớn nhỏ để duy trì “uy tín”, cảnh báo rằng các đồng minh Thái Bình Dương của Mỹ sẽ mất niềm tin vào Washington nếu nước này không chống lại Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên, Mỹ chính thức hóa các cam kết an ninh bằng các hiệp ước quốc phòng. Quốc hội đã không làm như vậy với Đài Bắc là có lý do. Tất cả các cường quốc đều đặt ra các ưu tiên và đưa ra lựa chọn, giống như Washington không bảo vệ Ukraine. Ngược lại, Mỹ lại tỏ ra sẵn sàng bảo vệ Hàn Quốc với cái giá đắt.

Hơn nữa, không có đồng minh nào của Mỹ cam kết cùng với Mỹ tham chiến thay mặt cho Đài Loan. Các hiệp ước với Nhật Bản và Hàn Quốc được cho là mang tính “tương hỗ”. Những quốc gia này có nhiều mối đe dọa trong vấn đề Đài Loan hơn Mỹ. Tại sao Washington phải cam kết trong khi họ lại không cam kết? Thật vậy, việc liên tục trấn an các đồng minh trước mọi tình huống bất ngờ sẽ khiến họ không thể làm nhiều hơn để tự vệ. Cả Seoul và Tokyo từ lâu đã tụt hậu trong nỗ lực phòng thủ vì họ có thể dựa vào Mỹ. Trên thực tế, việc Washington hứa làm nhiều hơn có nghĩa là họ sẽ làm ít hơn.

+ 3209. Xung đột Ukraine sẽ dễ lặp lại nhất ở Việt Nam, không phải là Đài Loan

Sau hết, việc chiến đấu với Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan không có lợi cho người dân Mỹ, những người được Washington thay mặt họ điều hành. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Mỹ không nên làm gì cả. Để bắt đầu, người Mỹ nên giúp trang bị vũ khí cho Đài Bắc. Nước này cần phải làm tốt hơn nhiều công việc tự bảo vệ mình, cả về biên chế quân đội lẫn triển khai vũ khí phù hợp, đặc biệt là tên lửa chống hạm. Có nhiều điều người Đài Loan nên học hỏi từ cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Hoa Kỳ và Đài Bắc thậm chí nên có những cuộc thảo luận kín đáo về lợi ích của Đài Bắc trong việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Phổ biến vũ khí hạt nhân là điều không mong muốn, nhưng vẫn có thể là lựa chọn ít tồi tệ nhất. Các quốc gia được củng cố mạnh hơn có may mắn răn đe được Trung Quốc hơn là dựa vào Mỹ

Hoa Kỳ cũng nên làm việc với các quốc gia đồng minh và thân thiện, đặc biệt là ở châu Á và châu Âu, để chuẩn bị các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan. Điều này sẽ không dễ dàng khi các quốc gia như vậy được hưởng lợi từ thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến tranh ở Đông Bắc Á sẽ có tác động thảm khốc đến khu vực và toàn cầu. Một nghiên cứu ước tính tốn phí kinh tế có thể xảy ra ở mức 10 nghìn tỷ USD. Cách tốt nhất để ngăn chặn hành động quân sự của Trung Quốc là đảm bảo rằng người dân ở Trung Nam Hải đã tính toán cái giá phải trả trước khi họ bắt tay vào chiến tranh.

+ 3687. Con đường đưa Tập Cận Bình lên đỉnh cao quyền lực sẽ đi qua Đài Loan

Cuối cùng, Mỹ nên tìm cách trấn an Trung Quốc. Điều đó có vẻ khác thường, nhưng rất ít người Trung Quốc muốn tham chiến. Họ hy vọng sẽ buộc Đài Loan phải đồng ý với một số hình thức thống nhất mà không cần đánh nhau. Bất chấp những lời lẽ ngày càng cứng rắn của mình, ngay cả Tập cũng nhận ra rằng thất bại quân sự sẽ là thảm họa đối với Trung Quốc và cá nhân ông. Các cuộc thanh trừng quân sự đang diễn ra của ông cho thấy ông không tin tưởng vào Quân giải phóng nhân dân. Không có gì được định trước.

Tuy nhiên, cảnh báo từ ba học giả về Trung Quốc, rằng chiến tranh có nhiều khả năng xảy ra “nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng Hoa Kỳ sẽ lợi dụng sự kiềm chế của họ để thúc đẩy nền độc lập chính thức của Đài Loan.… Bắc Kinh có thể xác định rằng việc kiềm chế một cuộc tấn công có nghĩa là họ sẽ mãi mãi mất khả năng thống nhất, hoặc sẽ cho phép Hoa Kỳ khôi phục một cái gì đó giống như liên minh phòng thủ với Đài Loan (3). Và nếu Trung Quốc đi đến kết luận đó thì việc Washington tập trung vào việc tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực có thể vẫn không ngăn được chiến tranh”.

(3) 2882. Gordon Chang: Joe Biden nên có một hiệp ước phòng thủ với Đài Loan, bởi chính sách hiện nay là một thảm họa toàn diện

Các nhà phân tích nhìn chung đồng ý rằng tuyên bố độc lập của Đài Loan có thể sẽ gây ra phản ứng quân sự của Trung Quốc. Thật không may, Bắc Kinh dường như tin rằng hành vi gần đây của cả Đài Bắc và Washington cho thấy mục tiêu của Đài Loan đã chuyển sang hướng độc lập với sự hỗ trợ của Washington. Trên thực tế, một số quan chức Trung Quốc đã nói với tôi rằng sẽ không thể quay lại nguyên trạng trước đây, vì họ tin rằng điều đó cuối cùng có nghĩa là sự chia rẽ. Điều quan trọng không phải là Mỹ và Đài Loan dự định gì mà là Bắc Kinh tin rằng hai chính quyền này dự định gì.

Vì vậy, điều cần thiết là không khơi dậy chứng hoang tưởng của Trung Quốc. Các chính trị gia quyết tâm sử dụng Đài Loan để ghi điểm cho đảng phái mình sẽ có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột thảm khốc với những hậu quả khủng khiếp (4). Hy vọng tốt nhất để tránh chiến tranh là thuyết phục Bắc Kinh rằng nguyên trạng hòa bình vẫn có lợi cho họ. Điều đó đòi hỏi phải thuyết phục Trung Quốc rằng hiện trạng hòa bình thực sự là hiện trạng. Các cuộc đàm phán để Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan rút lui khỏi tranh chấp chính trị và xung đột quân sự có thể mang lại hy vọng tốt nhất để giảm khả năng xảy ra xung đột.

(4) 3461. Cựu đại sứ tại Trung Quốc thời Obama gọi chuyến đi của Pelosi là ‘sự khiêu khích’, nó khiến Biden trông ‘yếu đuối’

Thật không may, người Đài Loan sống bên một hàng xóm tồi tệ và phải thích nghi với thực tế ở xứ sở này, đồng nghĩa với việc một Trung Quốc có khả năng hung hăng. Điều này có thể không công bằng, nhưng cuộc sống vốn không công bằng. Nhiệm vụ của Washington là bảo vệ người Mỹ, chứ không phải người Đài Loan, cho dù lý do của họ có được cảm thông đến đâu. Mỹ nên kiên quyết loại trừ sự can thiệp quân sự, trong khi theo đuổi các chính sách khác, được thiết kế để ngăn cản Trung Quốc thoát khỏi những cơn giận dữ dễ thay đổi của chiến tranh.



Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia