110. Di sản bị xói mòn của Kissinger vẫn đè nặng lên chính sách của Mỹ ở châu Á

Chiến lược hỗ trợ cho sự trỗi dậy của Trung Quốc quay trở lại gây khó dễ cho Washington và đồng minh

NIKKEI ASIA by Brahma Chellaney – December 22, 2023

(Brahma Chellaney là giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi và là cựu cố vấn cho Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ. Ông là tác giả của 9 cuốn sách, trong đó có cuốn “Water: Asia’s New Battleground”).

Ba Sàm lược dịch

Thành tựu ngoại giao lớn nhất của Henry Kissinger – điều phối việc mở cửa của Mỹ với Trung Quốc – đã dẫn đến chính sách kéo dài 45 năm của Hoa Kỳ hỗ trợ sự trỗi dậy về kinh tế của Bắc Kinh, từ đó tạo ra đối thủ chiến lược lớn nhất mà Washington từng phải đối mặt.

Cái giá của cách tiếp cận này bao gồm việc trao quyền cho một Trung Quốc hung hãn và bành trướng hơn, cũng như duy trì sự cai trị của Đảng Cộng sản.

Khi nhà độc tài Đặng Tiểu Bình đàn áp dã man một phong trào ủng hộ dân chủ do sinh viên lãnh đạo ở Bắc Kinh vào ngày 4 tháng 6 năm 1989, thông qua cuộc tấn công quân sự, được biết đến với tên gọi vụ thảm sát Thiên An Môn, Kissinger đã phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc.

 “Trung Quốc vẫn quá quan trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ nên không thể mạo hiểm mối quan hệ vì cảm xúc nhất thời”, vị cựu ngoại trưởng viết trên tờ Washington Post. “Mỹ cần Trung Quốc như một đối trọng khả dĩ đối với tham vọng của Liên Xô ở châu Á và cần Trung Quốc duy trì vị thế phù hợp trong mắt Nhật Bản với tư cách là người định hình chủ chốt các sự kiện châu Á.” Ông thêm dự đoán: “Trung Quốc sẽ thực hiện ảnh hưởng vừa phải ở châu Á và không thách thức Mỹ ở các khu vực khác trên thế giới”.

Vào thời điểm đó, Kissinger đã tích lũy được không chỉ ảnh hưởng với giới lãnh đạo Trung Quốc mà còn cả lợi ích tài chính cá nhân.

Không lâu trước sự kiện định mệnh ngày 4 tháng 6 năm 1989, ông đã thành lập một quỹ đầu tư trị giá 75 triệu USD cùng với tập đoàn nhà nước Trung Quốc CITIC. Ngoài ra, công ty tư vấn tư nhân của ông, Kissinger Associates, đã làm việc tại Trung Quốc thay mặt cho các doanh nghiệp Mỹ trong 7 năm.

Về cơ bản hơn, chính sách sai lầm do Kissinger khởi xướng đã khiến Mỹ tiếp tục giúp cho Trung Quốc vững mạnh, ngay cả sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc với sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991. Vào thời điểm Mỹ bắt đầu đảo ngược lộ trình đó, dưới thời Tổng thống Donald Trump, sự suy tàn tương đối của đất nước này đã bắt đầu được định hình sẵn rồi.

Chính sách đối ngoại của Kissinger dựa trên việc sử dụng quyền lực tràn lan của Mỹ, nhưng không quan tâm đến mạng sống con người. Trên khắp phần lớn châu Á, di sản của Kissinger vẫn còn đọng lại vì những quyết định tai hại dẫn đến cái chết của vô số người và sự tàn phá trên khắp những khu vực rộng lớn.

Là cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống lúc bấy giờ là Richard Nixon, Kissinger đã kéo dài Chiến tranh Việt Nam, bằng cách làm chệch hướng một hội nghị hòa bình đã được lên kế hoạch và ra lệnh ném bom rải thảm ở Campuchia và Lào. Mỹ đã thả hơn 7,5 triệu tấn bom xuống Việt Nam, Lào và Campuchia, gấp đôi số lượng bom thả xuống khắp châu Âu và châu Á trong Thế chiến II.

Dưới chính quyền tiếp theo của Tổng thống Gerald Ford, Kissinger với tư cách là ngoại trưởng đã hỗ trợ cuộc xâm lược và chiếm đóng đẫm máu của Indonesia ở Đông Timor.

Di sản bị xói mòn của nhân vật Machiavelli thời hiện đại này từ lâu đã đè nặng lên chính sách của Mỹ ở châu Á. Không nơi nào điều này đúng hơn trong mối quan hệ của Mỹ với Ấn Độ, nền dân chủ đông dân nhất trên thế giới.

Những diễn biến trong năm 1971 đã có tác động sâu sắc đến mối quan hệ song phương và tính toán chiến lược của Ấn Độ. Năm đó, quân đội Pakistan chống lại một cách dã man những nỗ lực đòi độc lập của Bangladesh, tàn sát tới 3 triệu người, giam giữ 200.000 phụ nữ trong các trại cưỡng hiếp và buộc 10 triệu người phải chạy trốn sang Ấn Độ.

Kissinger và Nixon còn hơn cả đồng lõa với cuộc nổi loạn của quân đội Pakistan. Họ tạo vỏ bọc chính trị cho nhà độc tài quân sự lúc bấy giờ là Tướng Yahya Khan để tiếp tục các cuộc thảm sát. Với sự giúp đỡ của chế độ Khan, Kissinger sau đó đã thực hiện một chuyến đi bí mật từ Pakistan đến Trung Quốc vào tháng 7 năm 1971, mở đường cho việc nối lại quan hệ hữu nghị Trung-Mỹ.

Do đó, việc mở cửa sang Trung Quốc đã phải trả giá đắt cho vô số người Bengali trong khi những người khác buộc phải chạy trốn sang Ấn Độ. Nhưng thế vẫn không phải là tất cả. Để cố gắng ngăn chặn Bangladesh tách khỏi Pakistan, Nixon và Kissinger thậm chí còn thúc giục Trung Quốc tiến hành hành động quân sự chống lại Ấn Độ.

Vào tháng 12 năm 1971, sau khi làn sóng tị nạn ồ ạt [từ Bangladesch] khiến Ấn Độ phải can thiệp vào giai đoạn cuối của cuộc xung đột giành độc lập kéo dài 9 tháng đó, Mỹ đã triển khai một lực lượng đặc nhiệm hải quân có khả năng hạt nhân, do tàu sân bay USS Enterprise dẫn đầu ở ngoài khơi mũi phía nam của Ấn Độ, trong một cuộc tập trận phô diễn sức mạnh.

Dự đoán trước sự thông đồng giữa Trung-Mỹ, Thủ tướng Ấn Độ lúc đó là Indira Gandhi đã ký kết một hiệp ước hữu nghị với Liên Xô, chỉ bốn tháng trước khi lực lượng Ấn Độ đỡ đầu cho sự ra đời của Bangladesh. Hiệp ước hữu nghị được ký với Moscow vào tháng 8 năm 1971 đã giúp ngăn chặn Trung Quốc có hành động quân sự chống lại Ấn Độ.

Những diễn biến trong năm đó đã phủ bóng đen lên mối quan hệ Mỹ-Ấn. Việc Mỹ nghiêng về phía Pakistan và mở cửa với Trung Quốc không chỉ tạo ra sự hợp tác chiến lược giữa Ấn Độ và Liên Xô, mà chính sách ngoại giao pháo hạm của Mỹ cũng thúc đẩy Ấn Độ tiến hành vụ thử hạt nhân dưới lòng đất đầu tiên chỉ hai năm rưỡi sau đó. Chính điều này đã khiến Mỹ và Trung Quốc giúp Pakistan chế tạo bom hạt nhân của riêng mình.

Trong một phần tư thế kỷ tiếp theo, Ấn Độ vẫn phải chịu các lệnh trừng phạt công nghệ do Mỹ dẫn đầu, khi Mỹ hợp tác với Trung Quốc và Pakistan, những đối thủ trong khu vực của New Delhi.

Mối quan hệ Mỹ-Ấn Độ đã thay đổi đáng kể trong thế kỷ này. Nhưng di sản của Kissinger vẫn chưa bị xóa bỏ hoàn toàn khỏi mối quan hệ này.

Tại khu vực lân cận của Ấn Độ, các mục tiêu chiến lược của Mỹ tiếp tục khác xa với các lợi ích cốt lõi của Ấn Độ, đặc biệt là liên quan đến Pakistan, Bangladesh, Myanmar và chống khủng bố.

Hoa Kỳ duy trì mối quan hệ chặt chẽ với quân đội độc đoán của Pakistan, chấp nhận sự cai trị gián tiếp hiện tại của nước này đối với đất nước. Theo một thỏa thuận trị giá 450 triệu USD, họ đang hiện đại hóa đội máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-16 của đất nước đang thiếu tiền mặt này, điều đó sẽ khiến loại máy bay này trở nên nguy hiểm hơn đối với Ấn Độ.

Hiện nay có thể có sự hội tụ lớn hơn về lợi ích của Mỹ và Ấn Độ đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, những ảo tưởng về Trung Quốc của Kissinger vẫn tồn tại dai dẳng trong chính sách của Mỹ, làm phức tạp thêm việc theo đuổi một chiến lược rõ ràng nhằm ngăn chặn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có động thái chống lại Đài Loan.

Trong hơn 42 tháng, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã rơi vào thế đối đầu dọc biên giới Himalaya của hai nước, nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa lên tiếng về cuộc đối đầu, bất chấp các cuộc đụng độ chết người. Đây là một lời nhắc nhở rằng tư duy lâu dài của Kissinger vẫn ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ đối với một Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ.

Với việc nối lại quan hệ hữu nghị do Kissinger khởi xướng với Bắc Kinh đã mở đường cho sự nổi lên của Trung Quốc nhằm thống trị các khu vực châu Á, ngày nay chỉ có Ấn Độ và Nhật Bản mới có khả năng ngăn chặn quyền bá chủ của Bắc Kinh trên khắp lục địa. Lẽ ra không nhất thiết phải theo cách như vậy.



Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia