73. Chuyến thăm Hà Nội của Tập thực sự không có nhiều thay đổi ở Biển Đông

… việc mở rộng hiện diện quân sự của Mỹ ở Singapore có thể là hình mẫu mà Việt Nam có thể noi theo. Năm 1990, Hoa Kỳ và Singapore lần đầu tiên ký Biên bản ghi nhớ cho phép các tàu Hải quân Hoa Kỳ sử dụng các cơ sở tại Căn cứ Hải quân Changi.”

THE HILL by Dov S. Zakheim – 12/15/2023

(Dov S. Zakheim là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế và là phó chủ tịch hội đồng quản trị của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại. Ông từng là Thứ trưởng và  Giám đốc Tài chính của Bộ Quốc phòng từ năm 2001 đến 2004 và là một Thứ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1985 đến 1987).

Ba Sàm lược dịch

Không chịu thua kém chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9 của Tổng thống Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước được chào đón nồng nhiệt tới Hà Nội trong tuần này.

Trong điều mà các phương tiện truyền thông Việt Nam gọi là “cột mốc lịch sử”, Tập và người đồng cấp, Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đã ký 36 thỏa thuận về một loạt nỗ lực hợp tác. Như Trọng đã nói, “Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để xây dựng một cộng đồng Việt-Trung có tương lai chung, có ý nghĩa chiến lược [và] tăng cường hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, an ninh và phi chính phủ”.

Thật vậy, hai nhà lãnh đạo đã đạt được các thỏa thuận từ đầu tư vào tuyến đường sắt nối hai nước, viễn thông, hợp tác kỹ thuật số cho đến nâng cấp quan hệ an ninh. Kế đó là bao gồm các kế hoạch tuần tra quân sự chung ở Vịnh Bắc Bộ ở Biển Đông và thiết lập đường dây nóng để giải quyết “các sự cố bất ngờ phát sinh từ hoạt động đánh bắt cá trên biển”.

Các kế hoạch tăng cường hợp tác an ninh thực chất chỉ là sự mở rộng “Quan hệ Đối tác An ninh Toàn diện” (Comprehensive Security Partnership – có thể tác giả bị nhầm – ND) mà hai nước đã thiết lập cách đây 15 năm. Sự dàn xếp trước đó hầu như không làm giảm bớt căng thẳng trong quan hệ giữa hai kẻ thù lịch sử, vốn đã gây chiến vào năm 1979 và tiếp tục xung đột dọc biên giới của họ và ở Biển Đông trong suốt những năm 1980.

Cả việc bình thường hóa quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội vào năm 1991 cũng như “Quan hệ Đối tác An ninh” đều không ngăn cản được Trung Quốc bắt nạt Việt Nam ở Biển Đông và tiếp tục khẳng định yêu sách chủ quyền của mình đối với toàn bộ vùng biển đó. Năm 2014, Bắc Kinh đã gây ra khủng hoảng lớn bằng việc di chuyển giàn khoan vào vùng biển Việt Nam. Ba năm sau, nước này đe dọa sử dụng vũ lực nếu Việt Nam khoan dầu ở Biển Đông. Trung Quốc đưa tàu khảo sát vào vùng biển Việt Nam năm 2019, một lần nữa gây căng thẳng trên biển.

Đề cập đến xích mích giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông, Trọng tuyên bố rằng “tranh chấp hàng hải chỉ là một phần của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và người ta tin rằng hai bên có thể giải quyết chúng một cách hợp lý trên tinh thần tin cậy và tôn trọng lẫn nhau”.

Tuy nhiên, cảm giác tốt đẹp mà Tập Cận Bình tìm cách tạo ra qua chuyến thăm của ông không kéo dài đến việc rút lui khỏi cái mà Trung Quốc gọi là “đường chín đoạn” quanh biển. Rõ ràng có những giới hạn về việc Trung Quốc sẵn sàng đi bao xa để thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với nước láng giềng phía Nam. Và những giới hạn đó sẽ tiếp tục tạo ra những cơ hội mới cho Hoa Kỳ nhằm tăng cường mối quan hệ ngày càng được cải thiện của mình với Việt Nam.

Sau chuyến thăm tháng 9 của Biden, Việt Nam hiện có “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Hoa Kỳ cùng với “Quan hệ Đối tác An ninh Toàn diện” (?) với Trung Quốc. Sự kết hợp của các thỏa thuận này chắc chắn phản ánh nỗ lực của Hà Nội nhằm duy trì lập trường trung lập giữa hai siêu cường. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cảnh giác trước sự xâm lược của Trung Quốc hơn là sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.

Hà Nội đã tăng cường mua vũ khí của Mỹ và tiếp đón các tàu chiến Mỹ, gần đây nhất là khi tàu sân bay Ronald Reagan, cùng với các tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Antietam và Robert Smalls, có chuyến thăm cảng Đà Nẵng vào tháng 7. Tàu Reagan cũng đã đến thăm Việt Nam vào năm trước, đánh dấu chuyến ghé cảng thứ ba của tàu sân bay Mỹ trong vòng bốn năm. Washington nên tiếp tục cử các tàu sân bay đến thăm Việt Nam hàng năm, nếu không muốn nói là thường xuyên hơn.

Việt Nam đã cam kết không tiếp nhận các căn cứ nước ngoài trên lãnh thổ của mình – một trong cái gọi là “bốn không”. Vì lý do đó, Hà Nội sẽ không bao giờ cho phép Mỹ đóng quân ở Vịnh Cam Ranh. Tuy nhiên, vẫn còn dư địa đáng kể để nâng cấp hoạt động hải quân của Mỹ ở nước này.

Về vấn đề này, việc mở rộng hiện diện quân sự của Mỹ ở Singapore có thể là hình mẫu mà Việt Nam có thể noi theo. Năm 1990, Hoa Kỳ và Singapore lần đầu tiên ký Biên bản ghi nhớ cho phép các tàu Hải quân Hoa Kỳ sử dụng các cơ sở tại Căn cứ Hải quân Changi. Các thỏa thuận sau đó đã mở rộng sự sắp xếp ban đầu, và Hải quân hiện duy trì một đơn vị chỉ huy hậu cần ở Singapore và luân chuyển các Tàu chiến ven biển và máy bay P-8 khỏi hòn đảo.

Chắc chắn Bắc Kinh sẽ chỉ trích bất kỳ nỗ lực nào của Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác an ninh với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chừng nào Trung Quốc còn vi phạm lãnh hải của Việt Nam trong khi tuyên bố rằng chúng thực sự thuộc về Trung Quốc, thì Việt Nam sẽ có lý do chính đáng để trông cậy vào Mỹ để củng cố khả năng răn đe chống lại nước láng giềng hùng mạnh phương Bắc.

Nếu bằng cách theo đuổi cách tiếp cận tương tự như cách đã rất thành công đối với Singapore, Hà Nội thực sự có thể tăng cường khả năng răn đe của mình, trong khi Washington có thể nhấn mạnh chính sách lâu dài của mình là duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.



Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia