252. 50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Không có cuộc tưởng niệm đông người và công khai nào diễn ra

RFA

2024.01.19

Ghi nhận của phóng viên trong ngày 19/1/2024 – 50 năm sau ngày Hải chiến Hoàng Sa, không có cuộc tưởng niệm đông người và công khai nào diễn ra ở Việt Nam, trong khi một số trí thức và người hoạt động chỉ có thể thực hiện nghi lễ ở tư gia của họ để tưởng nhớ ngày này.

Trong nhiều năm trước, giới hoạt động và người dân thường tập trung tại tượng đài Lý Thái Tổ ở trung tâm của Hà Nội, tượng đài Đức Thánh Trần ở bến Bạch Đằng tại thành phố Hồ Chí Minh, hoặc một số nơi khác để thắp hương, và tuần hành để tưởng niệm các tử sĩ.

10 năm trước, trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất Hoàng Sa, trung tâm Minh Triết của giáo sư Nguyễn Khắc Mai đã tổ chức buổi hội thảo về cuộc chiến Hoàng Sa, qua đó giới thiệu bà Huỳnh Thị Sinh, vợ của Trung tá hải quân Nguỵ Văn Thà – Hạm trưởng chiến hạm HQ-10 Nhật Tảo.

Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa của các nhân sĩ trí thức sau đó còn tổ chức quyên góp tài chính để mua được hai căn hộ cho gia đình của hai Hạm trưởng và Hạm phó của chiếc HQ-10, làm nơi thắp nhang đàng hoàng cho các ông.

Hiện nay, việc tập trung đông người là chuyện hoàn toàn không thể khi an ninh chặn những nhân vật bất đồng chính kiến ngay tại nhà và bố trí nhiều lực lượng ở những nơi người hoạt động thường tụ tập, trong khi nhiều nhà hoạt động tích cực nhất đang bị cầm tù.

Một ngày trước, một số tổ chức xã hội dân sự độc lập như Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Lập quyền dân, Bauxite… kêu gọi giới hoạt động và người dân tự tìm hình thức tưởng niệm cho riêng mình.

Ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng, cho biết ông đã rời TPHCM nhiều ngày nay và thực hiện việc tưởng niệm một mình ở bãi biển Nha Trang.

Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong buổi trưa ngày 19/1:

Trong ba ngày nay tôi đã bị theo dõi rất là kỹ, tôi không thể về tới Sài Gòn mà để đi ra Bến Bạch Đằng được. Cho nên tôi phải chuyển một phương án khác là tôi làm ở một cái vùng biển mà nơi đó có tượng Trần Hưng Đạo rất là lớn trước cái Học Viện Hải Quân Nha Trang.

Thắp hương chỗ ông Trần Hưng Đạo xong rồi xong tôi xin phép mang cái vòng hoa đi xuống bãi biển ngay cái chỗ đó là tàu bè của trước đây của Hải quân Việt Nam thường hay ra vô và và neo đậu thì tôi tới đó tôi làm cái lễ ở đó, ngay tại cái mí nước.”

Ông Nguyễn Khắc Mai- nhà nghiên cứu và là cựu cán bộ cao cấp của Ban Dân vận Trung ương, cho RFA biết ông thực hiện nghi lễ này ở nhà, thay vì ra trung tâm Hà Nội như nhiều năm trước:

Sáng hôm nay tôi làm một cái bàn thờ nhỏ có cái bài vị hương linh của 74 liệt sĩ Hoàng Sa, rót rượu và tưởng nhớ các vị anh hùng.”

Ông cũng bày tỏ hy vọng các hoạt động tưởng niệm của những nhân sĩ, trí thức sẽ có tác động thúc đẩy Nhà nước Việt Nam quyết tâm mạnh hơn trong vấn đề khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa và tố cáo tội ác của Trung Quốc dùng chiến tranh chiếm biển đảo.

Nhà văn quân đội Nguyễn Nguyên Bình, con gái của cố Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cho biết bà cũng tưởng niệm các tử sĩ VNCH bằng hình thức tương tự.

Bà nói trong tin nhắn gửi RFA:

Mấy năm trước những người yêu nước như chúng tôi, dẫu chỉ là tự phát nhưng vẫn khá đông đảở các địa điểm công cộng trên nhiều thành phố từ Bắc đến Nam. Nhưng nay do đã có hiện tượng người ta’ dùng mọi cách phá bĩnh, thậm chí bắt bỏ tù người đi tưởng niệm. Vậy nên năm nay mọi người bảo nhau tưởng niệm tại nhà.

Hơn nữa, tuy đã nói trước về ý định tưởng niệm tại nhà mà nhiều người còn bị canh chặn không được ra khỏi nhà. Tôi không hiểu tại sao, lực lượng nào mà lại sợ việc  tưởng niệm về Hoàng Sa đến thế?”

Nhiều nhân sỹ trí thức như hai vợ chồng ông bà Mạc Văn Trang và Nguyễn Thị Kim Chi, người hoạt động và thân nhân tù nhân lương tâm ở cả Hà Nội và TP HCM cho RFA biết lực lượng an ninh địa phương đưa nhân viên đến gần nhà họ để canh gác, không cho họ đi ra ngoài. Có trường hợp an ninh đi theo sát khi họ đi công việc.

Một nhà hoạt động ở Hà Nội cho biết nhiều an ninh và dân phòng được huy động gần khu vực tượng đài Lý Thái Tổ.

Bình luận về sự khác biệt trong việc tưởng niệm Hoàng Sa trong năm nay và nhiều năm trước, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, người đứng đầu tổ chức Diễn đàn Xã hội Dân sự, nói với RFA:

Tôi không biết rõ an ninh họ cấm đoán như thế nào nhưng mà số những người đi đầu trong những cái cuộc tưởng niệm như thế thì phần lớn là bị bắt mất rồi hoặc phải di tản nước ngoài.

Số còn lại thì rất là ít và có thể là họ cũng bị ngăn cản nên là những cuộc tưởng niệm như thế mấy năm nay là nó ít đi.”

Tuy nhiên, ông cho rằng việc ngăn cản của lực lượng an ninh không ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ của người dân về ngày 19/01 hay là những cái sự kiện khác liên quan đến Trung Quốc bởi vì mọi người vẫn có những cách khác nhau để nhắc nhở nhau về những sự kiện như vậy.

Một nhà hoạt động ở Hà Nội phát biểu trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:

Một sự thật là lòng yêu nước và tự hào của người Việt sẽ không bao giờ mất đi. Tuy nhiên, áp lực không nhỏ của nhà cầm quyền từ phía Bắc Kinh khiến chúng ta cần suy nghĩ lại cách thức thể hiện chính kiến.

Tôi thấy là có thể nhiều cách khác nhau thể hiện việc đấu tranh này. Việc tập trung đông người là không khả thi. Nhưng tập trung thành một nhóm nhỏ trực tuyến có nghìn người tham gia và làm truyền thông thì hoàn toàn có thể làm được. Mà tiếng vang của nó lan tỏa cũng rất tốt.”

Truyền thông Nhà nước nói gì về ngày này?

Dịp kỷ niệm 10 năm trước, các tờ báo Nhà nước như Tuổi Trẻ, Thanh Niên… đưa các tuyến bài rầm rộ về cuộc Hải chiến Hoàng Sa gọi thẳng tên Việt Nam Cộng Hoà. Trái ngược hẳn với điều đó, trong vài ngày gần đây, Thông tấn xã Việt Nam cùng một vài tờ báo chỉ đưa tin lẻ tẻ về các cuộc thăm gặp của chính quyền địa phương với các nhân chứng Hoàng Sa, hay thành phố Đà Nẵng (quản lý huyện đảo Hoàng Sa trên giấy tờ) tổ chức triển lãm hình ảnh và hiện vật về Hoàng Sa và Trường Sa.

Thậm chí, Đài Truyền hình Việt Nam VTV còn đưa tin Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đến toà Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội để dự kỷ niệm 74 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao của hai quốc gia cùng chung ý thức hệ cộng sản.

Phát biểu tại buổi lễ ngày 18/1, ông Quang khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam coi việc phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc bày tỏ sự thất vọng về nội dung mà truyền thông Nhà nước đưa tin trong dịp 50 năm ngày quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm.

Năm nay, chúng ta tưởng niệm 50 năm ngày hải chiến Hoàng Sa và 75 vị anh hùng của VNCH đã vị quốc vong thân, đáng lẽ ra báo chí Việt Nam phải nhắc lại thời điểm 50 năm một phần lãnh thổ Việt Nam đã rơi vào tay Trung Quốc, một phần quần đảo Trường Sa vẫn còn nằm trong tay Trung Quốc.

Nhưng có một điều rất ngạc nhiên là báo chí mấy ngày qua, nhất là ngày nay 19/1, chỉ có rải rác một số bài nhắc về những kỷ niệm, hồi ký, dấu ấn trong bảo vệ chủ quyền chứ không nhấn mạnh đến vấn đề đấu tranh về mặt công pháp quốc tế để mà chúng ta tiếp tục tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa.”

Có 74 chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hoà tử trận trong cuộc chiến ngắn ngủi trước Trung Quốc ở Hoàng Sa, tuy nhiên năm 2014, thêm gia đình trung sĩ Phạm Ngọc Đa thuộc chiến hạm HQ-10 gửi cho báo Thanh Niên giấy báo tử về việc ông qua đời khi đang lênh đênh trên biển sau ba ngày chiến hạm này bị chìm.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc lưu ý rằng, tuy tình hình trên Biển Đông hiện nay không căng thẳng như 10 năm trước nhưng cũng rất đáng quan ngại vì trong tháng vừa qua, tàu lớn nhất của Trung Quốc ba lần xâm phạm khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Bãi Tư Chính, đe doạ và tạo áp lực lên việc khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam.

Ông cho rằng tất cả những vấn đề đó đã không được dư luận quan tâm, và có một phần nguyên do là việc quan hệ Việt-Trung trở nên nồng ấm hơn sau chuyến thăm Hà Nội của Tập Cận Bình tháng trước.

Theo ông, quá trình đấu tranh về chủ quyền ở Biển Đông lâu dài, và Việt Nam phải tiếp tục tái khẳng định chủ quyền của mình ở đây, đồng phải tìm ra những biện pháp để đối phó với âm mưu thôn tính trọn Biển Đông của Trung Quốc.

o chí trong mấy ngày qua đã không nhấn mạnh và cũng không đề ra những cái biện pháđể tiếp tục đấu tranh khẳng định chủ quyền và giải quyết tình hình an ninh trên Biển Đông bằng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, bằng công pháp quốc tế, bằng Luật Biển LHQ năm 1982.

Trách nhiệm đó thuộc về các nhà trí thức Việt Nam, báo chí Việt Nam đã làm nguội lạnh đi tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam, đã làm gián đoạn quá trình mà tiếp tục lên tiếng khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa và Hoàng Sa cũng như vấn đề an ninh khu vực,” ông phát biểu.



Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia